Sốt xuất huyết ở người lớn
Trẻ em là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết. Nhưng nếu không chú ý, người lớn cũng có thể sốt nặng và tử vong.
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh xảy ra nhiều trong mùa mưa. Thường thì trẻ em là đối tượng dễ bị tác động xấu bởi SXH, vì cơ thể các cháu hay bị rối loạn chức năng mức độ nặng.
Những rối loạn này gây trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý và gây nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người lớn khỏe hơn thì không bị ảnh hưởng bởi SXH. Nếu coi thường, tử vong ở người lớn do SXH có thể xảy ra.
Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị T. (45 tuổi, trú tại Q.Hà Đông, TP.Hà Nội). Bà T. vốn là người khỏe mạnh, làm nghề buôn bán nhỏ tại chợ Hà Đông. Bà bị SXH dạng bệnh không điển hình vì không thấy ban xuất huyết ngoài da.
Khi đi khám, bác sĩ phải làm thủ thuật phụ trợ là nghiệm pháp dây thắt thì mới thấy dương tính. Xét nghiệm máu cho thấy bà có phản ứng dương tính với vi rút Dengue.
Nhưng trước đó, bà không vào bệnh viện điều trị mà tự mua dịch về nhà và nhờ người truyền. Khi truyền chai thứ nhất không thấy vấn đề gì, truyền sang chai thứ hai, bà T. bị choáng, đầu đau như búa bổ, buộc phải vào bệnh viện. Tại đây bà T. nhanh chóng đi vào hôn mê và tử vong sau đó.
Những dấu hiệu cần nhập viện
SXH là bệnh do vi rút gây ra. Gọi là SXH vì bệnh gây ra hai triệu chứng điển hình là sốt và xuất huyết – có thể ở ngoài da, ở nội tạng như ruột, gan, thận. Và có thể gây xuất huyết não, là thể bệnh nặng nhất, nguy cơ tử vong cao nhất.
Bệnh SXH có thể nhẹ hoặc nặng. Khi bệnh có dấu hiệu nặng thì cần đi đến bệnh viện ngay lập tức. Tuyệt đối không được tự chữa ở nhà vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các dấu hiệu nguy hiểm đều liên quan đến tình trạng xuất huyết nặng mà ra.
SXH dễ bị biến chứng khi chúng ta lao động hay vận động quá nặng trong thời gian bị bệnh, truyền dịch với tốc độ quá nhanh và số lượng quá nhiều trong lúc bệnh.
Người bệnh cũng dễ bị biến chứng nặng khi tiếp xúc với gió mạnh, gió lạnh. Nếu như bị đồng nhiễm với các vi rút, vi khuẩn khác thì tình trạng sẽ trầm trọng thêm. Người bệnh cũng có thể bị nặng thêm nếu như bản thân có sẵn các bệnh lý khác như chảy máu tiêu hóa, huyết áp cao, tiền sử đột qụy não…
Khi có các dấu hiệu bệnh nặng sau, bạn cần đến bệnh viện ngay: sốt có xuất huyết ổ, cục, máu tụ ngoài da, sốt kèm theo đau bụng, kèm theo đi tiểu ra máu, sốt kèm theo đi ngoài phân đen, sốt kèm theo đau đầu tăng dần và ý thức giảm dần hoặc có triệu chứng bại yếu.
Đặc biệt nếu như người bệnh bị mất ý thức đột ngột thì đó là một triệu chứng rất nặng, cảnh báo SXH thể não. Lúc này nguy cơ khó qua khỏi là rất lớn. Với trẻ em, nếu như trong SXH trẻ đang quấy khóc mà thấy trẻ giảm quấy khóc và phản ứng chậm chạp, bạn cần hết sức thận trọng vì đó là một dấu hiệu cảnh báo nặng thêm về mức độ bệnh.