Lấy sỏi bằng nội soi mật tụy ngược dòng

Ngày 23/1 bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tổ chức hội nghị khoa học công nghệ năm 2012 và đề tài nội soi mật tụy ngược dòng cấp cứu là một trong số những đề tài khoa học được các giáo sư đầu ngành đánh giá cao.

Nội soi và phẫn thuật nội soi là một trong những lĩnh vực nổi bật của bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ thời gian. Tại hội nghị đã có 6 đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này. Trong đó đề tài “Đánh giá kết quả nội soi mật – tụy ngược dòng cấp cứu trong điều trị sỏi ống mật chủ” của bác sĩ chuyên khoa 2 La Văn Phương được Hội đồng khoa học và PGS. TS Nguyễn Tấn Cường chủ nhiệm bộ môn ngoại tổng quát trường Đại học y dược TP HCM- Trưởng khoa ngoại gan-mật-tụy bệnh viện Chợ Rẫy hoan nghênh.

nội soi

ảnh minh họa

Theo PGS. TS Tấn Cường thì đây là một kỹ thuật khó, giúp ích cho bệnh nhân rất nhiều, nhất là các bệnh nhân lớn tuổi bị bệnh sỏi đường mật nhiễm trùng và sốc, có nhiều bệnh lý phức tạp nếu mổ hở dễ dẫn đến tử vong nhưng không mổ bệnh nhân cũng có thể tử vong. Tuy nhiên, phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng cấp cứu, cứu sống được rất nhiều bệnh nhân qua cơn thập tử nhất sinh mà ít tốn kém, thời gian nằm viện ngắn. Tại hội nghị, PGS Nguyễn Tấn Cường cũng mong các bệnh viện trong cả nước nên áp dụng phương pháp này để điều trị cho bệnh nhân bị sỏi đường mật.

Theo bác sĩ La Văn Phương thì nội soi mật – tụy ngược dòng đã mở ra một bước ngoặt trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đường mật-tụy. Kết quả cho thấy chụp đường mật thành công đến 94%, xác định được vị trí sỏi trong ống mật chủ, sỏi nhánh gan trái, sỏi nhánh gan phải, lấy được sỏi thành công đến 88%, thời gian nằm viện sau thủ thuật ngắn (khoảng 3 ngày) ít tái phát bệnh, nếu có tái phát thì những lần lấy sỏi sau dễ hơn lần đầu rất nhiều.

 Trước đây bệnh nhân bị sỏi đường mật thường được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật, nhưng mổ lấy sỏi đường mật là kỹ thuật phức tạp, thời gian hậu phẫu dài, dùng kháng sinh trong suốt thời gian hậu phẫu. Sau phẫu thuật gây hẹp đường mật, sỏi mật dễ tái phát, có những bệnh nhân phải mổ 4 – 5 lần, những lần mổ sau khó hơn những lần mổ trước.